TP HCM muốn tăng giá dịch vụ y tế, phí đường bộ
UBND TP HCM đề nghị HĐND TP xem xét thông qua việc tăng viện phí theo thông tư liên tịch của Bộ Y tế - Bộ Tài chính, quy định mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám chữa bệnh trong các cơ sở của Nhà nước.
Kỳ họp thứ 12, HĐND TP HCM Khóa 8 được khai mạc sáng 9/12. Ảnh: Hữu Công |
Thông tư này đã có hiệu lực từ ngày 15/4/2012, đến nay đã có 62/63 tỉnh thành điều chỉnh viện phí nhưng TP HCM vẫn chưa thực hiện. Trong khi đó, hàng năm ngân sách thành phố cấp cho ngành y tế đều tăng (năm 2013 cấp 2.415 tỷ đồng, tăng 17,6%). Nhưng ngành y tế thành phố đang phải chịu trách nhiệm khám chữa bệnh cho người bệnh của cả khu vực phía Nam (khoảng 30% bệnh nhân được điều trị tại các bệnh viện thành phố là từ các tỉnh, thành trong cả nước).
UBND TP đã có ý định trình HĐND TP tờ trình đề xuất tăng phí dịch vụ khám chữa bệnh tại kỳ họp trước vào tháng 7, song do thời điểm đó HĐND TP HCM đã xem xét và đồng ý việc tăng học phí lên 3-4 lần nên sau đó UBND TP đã rút lại tờ trình này.
Ngoài việc tăng phí dịch vụ y tế, UBND TP HCM cũng đã có tờ trình đề nghị HĐND xem xét cho phép công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) được áp dụng mức thu phí tại các trạm xa lộ Hà Nội và tại cầu Bình Triệu theo mức tối thiểu đã được Bộ Tài chính quy định và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.
UBND TP cũng đề xuất giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) từ 15% như hiện nay xuống còn 10% từ ngày 1/1/2014 nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách. Theo UBND TP, hiện các tỉnh lân cận đã áp dụng mức lệ phí 10%, nếu thành phố vẫn giữ mức thu sẽ dẫn đến trường hợp thay vì đăng ký xe lần đầu ở thành phố, chủ xe đến đăng ký tại những nơi áp dụng mức trước bạ 10% rồi sau đó mới đăng ký lại lần 2 tại TP HCM (chỉ phải đóng trước bạ mức 2% cho lần đăng ký này).
Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Hồng báo cáo với HĐND TP tại kỳ họp. Ảnh:Hữu Công |
Tại phiên khai mạc sáng 9/12, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Hồng đã báo cáo với HĐND về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng an ninh trên địa bàn trong năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ năm 2014.
Theo đó, TP HCM thực hiện được 21/25 chỉ tiêu của năm 2013 mà HĐND TP đã thông qua. Có 4 chỉ tiêu chưa đạt gồm tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP), tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, tỉ lệ xử lý nước thải y tế.
“Tốc độ tăng trưởng của thành phố tuy có dấu hiệu hồi phục, nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra. Lạm phát dù đã được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại. Nợ xấu chưa giải quyết được cơ bản và tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp nhiều khó khăn”, bà Hồng nhìn nhận.
Vị Phó chủ tịch UBND TP cũng cho biết, việc thực hiện giảm tải tại các bệnh viện đã đạt kết qủa bước đầu, nhưng chưa giải quyết được căn bản; trang thiết bị và nguồn nhân lực cho y tế dự phòng ở địa phương còn hạn chế; nhiều loại thuốc ngoại nhập giá còn cao so với thu nhập của người dân trong khi thuốc sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu chữa bệnh.
Trước tình hình đó, UBND TP đặt ra 4 chỉ tiêu về kinh tế trong năm 2014. Bao gồm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên địa bàn dự kiến tăng 9,5 – 10%; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội dự kiến chiếm khoảng 31% GDP; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu là 10% và tốc độ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp hơn cả nước.
Về lĩnh vực xã hội, UBND TP đặt ra 12 chỉ tiêu, trong đó sẽ giải quyết việc làm cho 265.000 lượt người; số lao động được giải quyết việc làm mới là 120.000; tỷ lệ thất nghiệp là 4,7%, số giường bệnh trên 10.000 dân là 42 giường và 14,5 bác sĩ…
Chiều nay, HĐND TP sẽ tiếp tục làm việc với phiên thảo luận tổ.
Mức thu phí tại các trạm xa lộ Hà Nội và tại cầu Bình Triệu được đề xuất tăng đối với ba nhóm xe và giữ nguyên đối với hai nhóm xe. Cụ thể, so với mức phí hiện tại nhóm xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt phải chịu mức thu tăng 1,5 lần (15.000 đồng/lượt). Nhóm xe 12-30 ghế ngồi, xe có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn tăng 1,35 lần (20.000 đồng/lượt). Nhóm xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn tăng 1,16 lần (25.000 đồng/lượt). Hai nhóm xe có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, container 20 feet và xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và container 40 feet được giữ nguyên mức đang thu. |